Phân loại Truyện thơ Nôm

Có hai cách phân loại truyện thơ Nôm:

  • Căn cứ vào thể thơ dùng để sáng tác, người ta chia truyện thơ Nôm thành hai loại là truyện thơ Nôm Đường luật và truyện thơ Nôm lục bát. Truyện thơ Nôm Đường luật không có nhiều, cũng như bị thất truyền, chỉ có một số tác phẩm như: Tô Công phụng sứ, Chiêu Quân cống hồ, Lâm tuyền kì ngộ. Truyện thơ Nôm lục bát chiếm ưu thế với số lượng và thành tựu lớn, đại diện cho truyện thơ Nôm nói chung. Các tác phẩm tiêu biểu có: Truyện Kiều, Hoa tiên, Truyện Lục Vân Tiên, Tống Trân – Cúc Hoa, Phạm Tải Ngọc Hoa,…
  • Căn cứ vào đối tượng sáng tác, người ta chia truyện thơ Nôm thành hai loại là truyện thơ Nôm bình dân và truyện thơ Nôm bác học. Truyện thơ Nôm bình dân do các tác giả trong giới bình dân (thường là khuyết danh) sáng tác do được truyền miệng hoặc qua ghi chép thô sơ trong dân gian nên khó xác định tác giả. Loại tác phẩm này cũng chủ yếu lưu hành trong dàn gian. Nội dung của chúng thường phản ánh khát vọng của người dân tầng lớp dưới (bình đẳng xã hội, thay đối vị thế trong xã hội, ước mơ ấm no, hòa bình, hạnh phúc, những điều tốt đẹp trong cuộc sống.... Chất lượng nghệ thuật của loại truyện này cũng ở mức vừa phải, ngôn ngữ bình dân gần với lời ăn tiếng nói hằng ngày của nhân dân, ít có các biện pháp tu từ cũng như sử dụng những từ ngữ thể hiện quyền thế. Nhóm này có các tác phẩm như: Phạm Tải – Ngọc Hoa, Tống Trân – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn,… Truyện thơ Nôm bác học do các tác giả là trí thức Nho học (thường có tên tuổi, lai lịch rõ ràng), thường là tầng lớp nho gia trong xã hội sáng tác và lưu hành rộng rãi nhưng chủ yếu vẫn trong giới trí thức tinh hoa. Nội dung của chúng thường phản ánh nhu cầu của giới trí thức lớp trên (giải phóng tình cảm, khẳng định tài năng, phẩm hạnh). Chất lượng nghệ thuật của truyện thơ Nôm bác học khá cao. Nhóm này có những tác phẩm như: Truyện Kiều, Hoa tiên, Phan Trần, Sơ kính tản trang, Truyện Lục Vân Tiên,…

Theo Đại học Xã hội và Nhân văn thành phố Hồ Chí Minh, các tác phẩm truyện thơ Nôm có thể được phân chia như sau:[1]

  • Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân vay mượn Trung Quốc (như: Song Tinh Bất Dạ, Hoa tiên, Truyện Kiều, Ngọc Kiều Lê, Nhị độ mai, Hảo cầu tân truyện,...).[2]
  • Truyện thơ Nôm tài tử giai nhân do văn nhân Việt Nam tự sáng tác (như: Sơ kính tân trang, Lục Vân Tiên, Mộng hiền truyện, Vân Trung Nguyệt Kính tân truyện, Lưu nữ tướng,…[3]
  • Truyện thơ Nôm truyền kì (như: Bạch Viên Tôn Các, Bích Câu kì ngộ, Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai tân truyện, Từ Thức tân truyện,...).[2]
  • Truyện thơ Nôm truyền thuyết (như: Chử Đồng Tử diễn ca, Đổng Thiên Vương tân truyện,…).[4]
  • Truyện thơ cổ tích (như: Thạch Sanh, Tống Trân – Cúc Hoa, Thoại Khanh – Châu Tuấn, Lâm Sanh – Xuân Nương, Lưu Bình – Dương Lễ,…).[3]
  • Truyện thơ Nôm ngụ ngôn (như: Truyện Trinh thử, Truyện Trê Cóc, Lục súc tranh công,…).[5]
  • Truyện thơ Nôm sử tích (khu biệt với diễn ca lịch sử) (như: Chúa Thao cổ truyện, Ông Ninh cổ truyện, Trung quân đối diễn ca,…)[6]
  • Truyện thơ Nôm tôn giáo (như: Quan Âm tống tử bản hạnh, Quan Âm Thị Kính, Mục Liên Thanh Đề, Lưu Hương diễn nghĩa bảo quyển,…).[7]

Cho đến nay việc phân loại các tác phẩm truyện thơ Nôm vẫn còn nhiều khó khăn do sự khác biệt giữa thể loại văn học này với các thể loại văn học khác là không quá sâu sắc[8]